Lượt xem: 179

Thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống COVID-19

Sáng ngày 13-9, đồng chí Lê Văn Thành – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành và địa phương nhằm thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống COVID-19. Dự tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng có đồng chí Lâm Hoàng Nghiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

 


Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng.

 

    Tại cuộc họp, các bộ, ngành đã đánh giá tình hình lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, thủy sản, nhất là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường Trung Quốc 8 tháng năm 2021. Theo đó, ước số liệu xuất khẩu 8 tháng của năm đạt 17,9 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ, chiếm 8,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhìn chung 7/9 mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thủy sản đều ghi nhận sự tăng trưởng trong 8 tháng đầu năm. Xét về tốc độ tăng trưởng, cao su là mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất, với mức tăng lên tới 23,3% về số lượng. Tiếp đến là hạt tiêu, sắn và các sản phẩm từ sắn và hạt điều. Hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong nhóm nông sản, thủy sản là thủy sản và rau quả cũng tăng lần lượt là 7,1% và 11,8% so với cùng kỳ. Ngược lại, xuất khẩu gạo giảm 6,8% về giá trị và giảm 14,8% về sản lượng. Về thị trường xuất khẩu, trọng điểm đứng đầu vẫn là thị trường khu vực Châu Á với 3 thị trường tiêu thụ lớn nhất là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, chiếm 56,7% thị phần, với tổng kim ngạch đạt 8,9 tỷ USD. Đối với nông sản, thủy sản, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, bình quân chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu.

    Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành và các địa phương cũng đã làm rõ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong bối cảnh COVID-19 nói chung và khó khăn khi qua các cửa khẩu biên giới giáp Trung Quốc nói riêng. Qua đó, trao đổi, cung cấp thông tin về các quy định mới nhất tại thị trường Trung Quốc để các địa phương, doanh nghiệp có định hướng trong quản lý và tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp. Từ đó, đề xuất giải pháp khắc phục khó khăn, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu theo hướng bền vững trong những tháng cuối năm và thời gian tới.

    Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhận định, tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất, lưu thông, tiêu thụ nông sản trong cả nước. Qua đó, đề nghị các địa phương cần rút kinh nghiệm về những vấn đề còn cứng nhắc, thiếu sâu sát dẫn đến việc ùn tắc, ứ đọng trong sản xuất, lưu thông hàng hóa. Nhất là không ban hành thêm các quy trình, thủ tục, giấy phép gây khó khăn, cản trở lưu thông. Các tỉnh, thành cần phối hợp với các bộ, ngành để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp cũng như lên phương án phục hồi sản xuất, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm vào dịp cuối năm. Nhất là ưu tiên tiêm vắc xin cho lực lượng sản xuất, xây dựng kế hoạch tổng thể về tái sản xuất nông nghiệp. Riêng các bộ cần tăng cường trao đổi, đàm phán với các thị trường nhập khẩu chính để tạo thuận lợi trong thủ tục thông quan hàng hóa nông sản. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khôi phục sản xuất trong thời gian tới.

Ánh Phúc



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 64
  • Hôm nay: 9076
  • Trong tuần: 76,396
  • Tất cả: 11,860,585